Chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ với Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch Covid-19 và một số địa phương chiều 21/8, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá tình hình dịch bệnh vẫn rất phức tạp. Tuy nhiên, với nỗ lực của các bộ, ngành và địa phương, tình hình đã được kiểm soát một cách hệ thống hơn, bài bản và kịp thời hơn, giúp người dân yên tâm.

Nhiều nước đóng cửa lại


Người đứng đầu Chính phủ ghi nhận Ban chỉ đạo Quốc gia đã có cách làm mới, sáng tạo, quyết liệt trong xử lý, khoanh vùng ổ dịch. Thứ trưởng Bộ Y tế trực tiếp có mặt tại Đà Nẵng để chỉ đạo. Hàng trăm cán bộ, chuyên gia y tế được tăng cường.

Đối với những ổ dịch mới như ở Hải Dương, Bí thư, Chủ tịch UBND tỉnh vào cuộc kịp thời.

"Chúng ta cần đề cao cảnh giác. Cuộc họp này cần bàn về những chủ trương, quyết sách mới trong giai đoạn hiện nay", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.

Việt Nam có 4 đơn vị đang nghiên cứu, thử nghiệm vaccine Covid-19
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Thường trực Chính phủ bàn về các quyết sách mới trong chống dịch Covid-19. Ảnh: VGP.

Báo cáo tại cuộc họp, quyền Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết trước số ca nhiễm trên thế giới tăng lên, nhiều quốc gia đã quay về thời kỳ đóng cửa giống như giai đoạn trước để tự bảo vệ.

Bộ Y tế dự báo thời gian tới dịch bệnh chưa có nhiều dấu hiệu tích cực, nhất là các nước có nhiều quan hệ kinh tế, thương mại với Việt Nam. "Việc mở cửa đối với Việt Nam chúng ta sẽ khó khăn hơn", ông Long nói.

Về tiến độ sản xuất vaccine, quyền Bộ trưởng Y tế cho biết đã có 138 vaccine Covid-19 trên thế giới đang trong quá trình đánh giá tiền lâm sàng. Trong đó, 29 vaccine đang được thử nghiệm và 6 loại bước sang giai đoạn 3.

"Gần đây, Nga đăng ký vaccine ngừa Covid-19 đầu tiên trên thế giới có tên Sputnik-5 và đã bắt đầu khởi động quá trình sản xuất. Nhưng vaccine của Nga mới bước vào thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3, chưa phải đã xong", ông Long thông tin.

Hiện, Trung Quốc cũng đăng ký vaccine có tên AD5-nCovi.

Ở Việt Nam, 4 đơn vị đang nghiên cứu, cố gắng trong năm 2021 thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3.

Theo đánh giá của Bộ Y tế, vaccine của Mỹ của Anh và Trung Quốc có tiềm năng xuất hiện sớm nhất.

"Dù các nước đang chạy đua với thời gian để sản xuất, việc tiếp cận với vaccine hết sức khó khăn. Dự báo trong 6 tháng cuối năm 2021, Việt Nam mới có thể tiếp cận với nguồn vaccine", ông Long thông tin.

Dự kiến dập tắt các ổ dịch hiện tại trong 1 tháng


Đánh giá tổng thể về công tác phòng, chống dịch trên cả nước, quyền Bộ trưởng Y tế cho rằng việc này đang được thực hiện bài bản. Bộ dự báo dập tắt các ổ dịch giai đoạn hiện nay trong khoảng một tháng.

Theo ông Long, việc chống dịch càng nhanh chóng, quyết liệt và thần tốc bao nhiêu thì hậu quả nặng đỡ nặng nề bấy nhiêu.

Ban Chỉ đạo quốc gia và Bộ Y tế kiến nghị bộ, ngành và địa phương tuyệt đối không lơ là, mất kiểm soát. Lãnh đạo địa phương chịu trách nhiệm chính, quyết định biện pháp phòng, chống dịch trên địa bàn.

"Không áp dụng giãn cách trên phạm vi rộng, biện pháp phòng, chống dịch cần tính toán kỹ lưỡng, bảo đảm hạn chế tác động tiêu cực đến hoạt động kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân", ông Long kiến nghị.

Nhắc lại quy định phân luồng, tiếp nhận và kiểm soát nhiễm khuẩn tại các bệnh viện, người đứng đầu Bộ Y tế quán triệt đây là vấn đề hệ trọng. Ông yêu cầu người đứng đầu cơ sở y tế, bệnh viện thực hiện nghiêm, nơi nào không đảm bảo thì phải ngừng hoạt động.