Tiêu diệt Lyon 3-0, bằng đúng tỷ số mà PSG hạ Leipzig, Bayern Munich tiến vào chung kết gặp PSG. Đó chính là kịch bản hợp lý cho trận chung kết xứng tầm nhất.

Con đường đến với trận chung kết của họ đã cho thấy những điểm nhấn của bóng đá, môn thể thao gây tranh cãi nhiều nhất.

Từ kế hoạch đến thực chiến


Serge Gnabry, cầu thủ hay nhất trong trận Bayern - Lyon, đã phát biểu khá bất ngờ về chiến thắng của Bayern ở bán kết. Anh cho rằng Bayern có chút may mắn trước Lyon. Nhận định này có thể khiến nhiều người nghĩ Gnabry khiêm tốn, xã giao khi ai cũng thấy sự vượt trội của Bayern.

Song, như Xavi từng nói trong số tất cả người yêu bóng đá, may ra có 2% hiểu bóng đá mà thôi, điều Gnabry nói không hề phi lý chút nào.

PSG vs Bayern Munich - trận chung kết đúng nghĩa trong mơ
Lyon đã chơi hay trước Bayern Munich. Ảnh: Reuters.

Dù thua lấm lưng trắng bụng tới 3 bàn không gỡ, Lyon vẫn trình diễn diện mạo đáng khen ngợi. Đó chính là kế hoạch đấu pháp rất hợp lý, và xuyên suốt kể từ trận gặp Juventus cho tới vòng bán kết.

Đấu pháp ấy đã phát huy hiệu quả rõ rệt cho tới khi Lyon đối diện Bayern. Vấn đề không phải là Bayern quá mạnh hay bắt bài tốt Lyon mà nằm ở chỗ: Thực chiến bán kết của Lyon không thể hiện hết được đấu pháp mà HLV Rudi Garcia đã đề ra.

Trước các đối thủ mạnh như Juventus, Man City hay Bayern Munich, HLV Rudi Garcia đã luôn đặt Lyon ở cửa dưới và chơi phòng ngự với số đông, tạo ra các khối rõ rệt để kiềm tỏa không gian trước những đối thủ chắc chắn sẽ kiểm soát bóng tốt hơn mình.

Quá trình phòng thủ lăn xả và kiên nhẫn của họ chỉ để hướng đến mục tiêu: đoạt bóng và tiến hành phản công nhanh nhờ vào các đường chuyền vượt tuyến. Mọi kỳ vọng kiếm bàn thắng của Garcia phụ thuộc vào chất lượng hàng công.

Trong đêm mà hàng công của Lyon cho thấy sự nghèo nàn của mình, kế hoạch đấu pháp của họ đã không được chuyển tải thành thực tế thực chiến một cách đúng ý Rudi Garcia.

Từ Depay cho tới Ekambi, tất cả đều như “con nít” trước khung thành của Neuer. Cục diện trận đấu có thể rất khác nếu như Lyon tận dụng tốt những cơ hội mà họ có được trước khi Gnabry mở tỷ số cho Bayern Munich. Tuy nhiên, chữ “nếu” vẫn là thứ xa xỉ. Chữ ấy mà tồn tại thực sự trong thực tiễn, đội bóng gặp Munich ở bán kết vừa rồi đã không phải là Lyon.

Câu chuyện thất bại của Lyon chỉ ra chân lý muôn thuở của bóng đá. Đó chính là HLV có thể có những tính toán vô cùng chuẩn xác, tinh tế và cực kỳ hợp lý, nhưng những người thể hiện ý tưởng đó của HLV là các cầu thủ trên sân.

HLV tưởng tượng ra kịch bản trận đấu và các cầu thủ phải “diễn” cho đạt cái vai của mình. Khi các cầu thủ không thể làm đúng những gì mà HLV của họ hình dung, toan tính có đúng đắn mấy cũng sẽ không cho đáp án ưng ý.

Công thức của ứng viên vô địch


Tính cho đến vòng bán kết, Lyon để thủng lưới 11 bàn, Leipzig 9 bàn, Bayern 8 bàn và PSG 5 bàn. Những con số ấy đều có ý nghĩa lớn của nó. Đó là đội bóng nếu muốn tiến xa ở giải đấu, trước tiên họ phải có hàng thủ “đàng hoàng”.

Ở vòng bảng, không phải Leipzig, Lyon và Bayern là những đội để thủng lưới ít nhất. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là họ không có những hàng thủ được tổ chức tốt, chặt chẽ với những cá nhân có năng lực. Và chiến thắng ở vòng 16 đội và tứ kết đều được bắt đầu từ hàng thủ chơi tốt, được tổ chức hợp lý hơn đối phương.

PSG vs Bayern Munich - trận chung kết đúng nghĩa trong mơ
Kimpembe đang dần trở thành trụ cột hàng phòng ngự PSG. Ảnh: Getty.

Không phải vô cớ mà người ta cứ nhắc tới những cái tên như Marcelo, Denayer (Lyon), Upamecano (Leipzig). Chính họ mới là nền tảng đầu tiên cho thành công của các đội bóng ngựa ô.

Còn với Bayern và PSG, chúng ta không phải bàn về chất lượng hàng thủ của họ làm gì cho tốn công. Jerome Boateng và Thiago Silva đã là thương hiệu trung vệ từ nhiều năm nay. Với trình độ và kinh nghiệm của mình, họ đã dìu dắt những người đá cặp cùng trở thành những ngôi sao mới.

Presnel Kimpembe của PSG là điển hình. Khi Marquinhos được điều lên chơi tiền vệ, Kimpembe tiến bộ vượt bậc vì có cơ hội chơi cạnh Silva. Chắc chắn Kimpembe sẽ sớm trở thành món hàng được săn đuổi bởi các ông lớn như Real, Barca hay Man United.

Đội bóng chỉ có hàng thủ được tổ chức tốt thì chưa đủ. Chất lượng hàng thủ của 4 đội vào bán kết thực tế không cách xa nhau quá nhiều về trình độ. Cái hơn, cái vượt trội của hai đội vào chung kết là khả năng ghi bàn.

Không chỉ là khả năng của hàng công mà là khả năng chung của cả tập thể, với nhiều phương án ghi bàn khác nhau. Rõ ràng, chúng ta thấy ở bán kết Champions League năm nay, những người quyết định trận cầu thực tế không phải là tiền đạo. PSG và Bayern vượt trội đối phương là vì họ có những con người biết giải quyết thế cờ.

Leipzig lẫn Lyon đều không có những con người “chơi cờ tàn” hiệu quả ở các tình huống tấn công, phản công. Cornet hay Dembele của Lyon chẳng hạn, họ có thể xuất sắc ở trận gặp Man City, nhưng không có sự ổn định xuyên suốt cả mùa giải.

Trong khi đó, Bayern và PSG lại có những con người cực ổn định không chỉ một mùa mà kéo dài nhiều mùa bóng. Chuỗi 34 trận liên tiếp ghi bàn ở Champions League của PSG không phải là con số tầm thường. Nó thể hiện trình độ thực sự của đội bóng siêu sao thực sự.

Leipzig và Lyon vào đến bán kết đã là thành công quá lớn rồi. Cái cơ duyên có được sự bùng nổ từ vài con người cụ thể ở những trận then chốt đã giúp họ đi được xa đến vậy. Họ thuộc diện những đội bóng mới chỉ có một nửa công thức (phòng ngự).

Trong khi đó, để trở thành nhà vô địch, nửa còn lại quan trọng không kém. Tất nhiên, chúng ta sẽ không nói đến câu chuyện rủi may kiểu như Hy Lạp vô địch EURO 2004. Kiểu rủi may ấy, trăm năm chắc có một lần mà thôi.

Bayern của Lewandowski quá mạnh tại Champions League mùa này. Ảnh: Reuters.

Nhìn lại những đại gia đã thất bại ở tứ kết, chúng ta càng thấy rõ hơn họ đã bị loại bởi thiếu vắng yếu tố trong công thức này. Juventus có hàng thủ chơi kém tập trung suốt thời gian quay trở lại sau giãn cách xã hội ở Serie A và Champions League.

Barca không có hàng thủ tốt nhất của mình, và Man City thực tế cũng vậy. Tất nhiên, Man City còn thất bại bởi những toan tính của Pep nhưng không thể phủ nhận hàng thủ của họ thực sự chưa hoàn thiện suốt cả mùa giải này chứ không chỉ ở trận gặp Lyon.

Bởi vậy, quay lại với PSG và Bayern, chúng ta sẽ nhận thấy chẳng còn ai xứng đáng hơn họ vào chung kết. Đội ghi bàn nhiều nhất, để thủng lưới ít nhất, ở hữu cầu thủ tốc độ nhất cũng là họ. Và trận chung kết sẽ hứa hẹn những cuộc so tài cực hấp dẫn mà chỉ cần ví dụ điển hình là Davies sẽ đấu tốc độ ra sao với Mbappe cũng đủ thu hút lắm rồi.

Dấu ấn cá nhân: con người và hệ thống


Một yếu tố không thể nào không nhắc tới chính là dấu ấn cá nhân trong đội bóng. Sẽ cực khó để nói về dấu ấn cá nhân của Bayern và PSG khi họ có quá nhiều ngôi sao nhưng để chỉ ra cầu thủ nào tạo ấn tượng nhất sau mỗi chiến thắng, thì lại là việc khá dễ dàng. Cái thú vị của trận chung kết sắp tới cũng nằm ở chỗ ấy, Khi hai đội có quá nhiều siêu sao, dấu ấn cá nhân rõ ràng là bài toán khó đoán vì quá nhiều ẩn số.

Dấu ấn cá nhân ở những góc nhìn khác lại dễ gây tranh cãi. Ví dụ như trường hợp của Neymar, người nhận cả khen lẫn chê suốt 2 trận tứ kết, bán kết vừa rồi. Neymar chơi dở, hay anh ta đá hay? Câu hỏi này không dễ trả lời chút nào, nhất là khi ta xem bóng đá bằng cảm tính.

PSG vs Bayern Munich - trận chung kết đúng nghĩa trong mơ
Neymar cuối cùng cũng vào trận chung kết cùng PSG. Ảnh: Getty.

Thực tế, cú thoát xuống vẩy má ngoài đập cột ở trận gặp Leipzig của Neymar là pha bóng cực hay. Cái khe hẹp, nhưng Mbappe vẫn tỉa bóng được cho Neymar và cú thoát xuống của Neymar rồi dứt điểm nhanh là thứ chỉ có thể có được nhờ trình độ đẳng cấp. Chúng ta có thể chê anh ta không ghi bàn đấy nhưng không phải tiền đạo nào cũng có thể dứt điểm được ở tình huống ấy,

Xét về con người trong tập thể, Neymar mới là cầu thủ quan trọng nhất của PSG lúc này. Đó là lý do tại sao Tuchel có thể thay Mbappe và Di Maria ra sân, nhưng vẫn giữ Neymar ở lại. Neymar chơi như một số 10 hiện đại và chỉ có sự xuất hiện của Neymar, với khả năng cầm bóng, qua người mới có thể giúp PSG khai thác tốt các đòn đánh trung lộ.

PSG nguy hiểm ở chính điểm này. Để đánh biên, họ có thể dùng Mbappe, Di Maria và Draxler, nhưng không chỉ có thế. Với Neymar, PSG trở nên đa dạng hơn và biến ảo hơn.

Cú đá phạt hàng rào bật cột của Neymar cũng là điểm đáng bàn. Sức tưởng tượng của anh ta quả là vượt bậc và nếu pha bóng ấy thành bàn, nó có khả năng thành cú đá phạt kinh điển thực sự. Không ai ngờ sẽ có phương án đá phạt như thế. Nó chỉ có ở trong video game. Tuy nhiên, Neymar đã làm được và trong tương lai, chắc chắn anh ta sẽ lặp lại kiểu đá phạt này.

Trong khi đó, ở Munich, Gnabry khiến người ta ngờ vực về khả năng dùng người của Arsenal. Tại sao cầu thủ như thế lại mờ nhạt khi còn ở London? Câu hỏi này có thể áp dụng tương tự với Depay ở Lyon, Herrera và Di Maria ở PSG và nếu mở rộng sang UEFA Cup, chúng ta cũng có quyền đặt câu hỏi về Lukaku và Man United. Rõ ràng có gì đó sai nếu so sánh họ hiện thời và khi còn ở Premier League.

Những gì có thể lý giải cho các trường hợp này chỉ gói gọn trong mấy chữ: con người và hệ thống. Có những con người rất chất lượng nhưng khi rơi vào một hệ thống không phù hợp, họ sẽ không thể hiện được hết khả năng của mình. Nếu nhìn rộng ra ngoài đời, chúng ta sẽ thấy rất nhiều. Có nhiều công ty tuyển về toàn những nhân sự cực giỏi của đối thủ cạnh tranh, nhưng lại không sử dụng được. Cơ bản, anh không có hệ thống phù hợp, thì đừng mong mỏi họ có thể thích nghi và cống hiến.

Câu chuyện con người và hệ thống chúng ta có thể rà soát cả đống ví dụ trong bóng đá, từ những trường hợp như Mo Salah với Chelsea và Liverpool, De Bruyne với Chelsea và Man City hay Greizmann với Atletico và Barca chẳng hạn. Và nó chỉ ra câu chuyện muôn thuở của các CLB là sự thống nhất về quan điểm, triết lý giữa giám đốc kỹ thuật và HLV trưởng.

Khi họ không hiểu nhau, con người mà họ nhận định cũng sẽ khác nhau. Sẽ không thể nào yêu cầu một người họa sĩ cung cấp cho bạn bức sơn dầu thật mãn nhãn nếu chỉ đưa Acrylic cho họ. Nếu làm vậy, ta đã không hiểu “hệ thống” của ông họa sĩ ấy và hoàn toàn có thể trở thành thằng ngu trong mắt họ.

PSG vs Bayern Munich - trận chung kết đúng nghĩa trong mơ
Gnabry tỏa sáng rực rỡ trong màu áo Bayern. Ảnh: Getty.

Chúng ta hãy thừa nhận với nhau rằng PSG - Bayern Munich là trận chung kết trong mơ đúng nghĩa của năm nay. Cái trong mơ ấy không phải chỉ xét trên quan điểm lựa chọn trong số 4 cái tên của các đội vào bán kết, mà nó là cả tổng thể từ đầu mùa tới nay. Khi tất cả các đại gia như Barca, Real, Man City đều có vấn đề, PSG và Bayern Munich vào chung kết là hợp lý nhất.

Nếu phải nói về tiếc, có lẽ chỉ tiếc mỗi Liverpool. Họ là đội bóng đương kim vô địch, có đủ công thức, hệ thống tốt, cá nhân xuất sắc. Tuy nhiên, thất bại của họ trước Atletico, cũng như của Man City trước Lyon, cũng là bài học về hệ thống.

Các đội Premier League đã quen với đặc trưng bóng đá của mình, với các đối thủ sẵn sàng chơi ăn miếng trả miếng, chơi tốc độ cao, chịu va chạm với thế trận cởi mở. Nên khi gặp đối thủ đến từ văn hoá bóng đá khác, với triết lý khác hẳn, họ gục ngã cũng là lẽ thường, bởi đó cũng chỉ là trận cầu chứ không phải là cuộc hơn đua của cả bề dày xuyên suốt.